• Lo đủ đường khi gia tăng NK gỗ từ châu Phi

    NK gỗ nguyên liệu từ châu Phi ngày càng tăng và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Điều đó đặt ra không ít lo ngại, nhất là tính minh bạch về nguồn gỗ đưa vào chuỗi cung.

     
    Lượng gỗ NK quy tròn từ châu Phi trong năm 2017 tăng gần 86% so với năm 2016. Ảnh: N.Thanh.
     
    Nhập khẩu tăng mạnh
     
    Theo báo cáo “Việt Nam XNK gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triền bền vững” do các đơn vị gồm Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) tiến hành, công bố mới đây: Châu Phi đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2017, lượng cung từ quốc gia này đã lên tới trên 1,3 triệu m3, chiếm 25% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu tròn và xẻ NK vào Việt Nam. Tính theo lượng gỗ quy tròn, lượng gỗ NK từ châu Phi trong năm 2017 tăng gần 86% so với năm 2016.
     
    Nguyên nhân của tình trạng gia tăng NK trên có nhiều, song mấu chốt là mức giá gỗ. Gỗ NK từ châu Phi được coi là các loài gỗ quý phù hợp với khả năng mua của nhiều người tiêu thụ. Mức giá các loài gỗ NK từ nguồn này thấp hơn nhiều so với giá các loài gỗ NK từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Quan trọng hơn, nguồn gỗ NK từ châu Phi ngày càng được chấp nhận bởi người sử dụng tại Việt Nam.
     
    Xung quanh câu chuyện NK gỗ nguyên liệu gia tăng kể trên, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend nhận định tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Các quốc gia châu Phi cung gỗ cho Việt Nam đều nằm ở phía cuối bảng xếp hạng về Chỉ số nhận thức tham nhũng. Nhìn chung, quản trị rừng tại các quốc gia này kém, thông thường liên quan đến việc thực thi chính sách kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan và xung đột trong quản lý sử dụng tài nguyên rừng. “Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự minh bạch về nguồn gỗ NK đưa vào chuỗi cung. Trong khi đó, nguồn cung gỗ từ châu Phi hiện đang thiếu thông tin và ẩn chứa nhiều rủi ro khác. Với lượng cung gỗ từ nguồn này rất lớn, việc minh bạch thông tin về nguồn gỗ này là điều tối quan trọng”, ông Phúc nhấn mạnh.
     
    Liên quan tới vấn đề rủi ro gỗ NK từ châu Phi, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay: Tại Việt Nam đang tồn tại sự lộn xộn về tên gọi của các loài gỗ NK từ châu Phi vào Việt Nam. Các nhà NK, các cơ sở chế biến tại các làng nghề đang sử dụng tên các loài gỗ của Việt Nam để đặt tên cho một số loài gỗ NK từ Châu Phi. Ví dụ như Lim Nam Phi, Hương Nam Phi… Tuy nhiên, các loài gỗ NK từ nguồn này thường không giống với các loài gỗ của Việt Nam hoặc các loài gỗ NK từ các nước lân cận. Điều này dẫn một số khó khăn và rủi ro trong sử dụng và kiểm soát nguồn gỗ NK từ châu lục này.
     
    Đồng bộ nhiều giải pháp
     
    Nhu cầu về nguồn gỗ nguyên liệu của Việt Nam còn khá lớn. Làm sao có thể giảm rủi ro cho ngành gỗ khi NK gỗ nguyên liệu từ châu Phi được dự kiến vẫn sẽ gia tăng trong thời gian tới? Đứng từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Công cho hay, giảm rủi ro cho DN xuất phát từ khá nhiều góc độ. Thứ nhất, VIFORES và các hiệp hội gỗ ở địa phương phải cung cấp đầy đủ thông tin cho DN NK gỗ, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài. Thứ hai, Việt Nam có các hệ thống như hệ thống của cơ quan hải quan, đưa nguồn gỗ NK từ khu vực Nam Phi vào nguồn có rủi ro cao, phải kiểm soát chặt chẽ. Thứ ba, các loài gỗ nằm trong danh mục của Cites phải có giấy phép Cites của nước sở tại khi NK vào Việt Nam. Thứ tư, dự kiến, tháng 6 tới, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ được ký kết chính thức và phê chuẩn vào tháng 12. Việc thực thi hiệp định sẽ đòi hỏi cao hơn tính minh bạch về nguồn gỗ NK. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ DN hạn chế cao nhất các rủi ro khi NK gỗ nguyên liệu từ châu Phi”, ông Công nói.
     
    Góp thêm ý kiến vào vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc kiến nghị: Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội gỗ ở địa phương cần yêu cầu tất cả các quốc gia cung gỗ cho Việt Nam từ Châu Phi cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách về khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại quốc gia này. Các thông tin này cần được cập nhập phổ biến cho các cơ quan quản lý, kiểm soát NK cũng như những công ty NK và các hộ tại các làng nghề, nơi nguồn gỗ được sử dụng.
     
    “Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp tại các nước cung gỗ cho Việt Nam tại châu Phi, đưa ra danh sách các loài gỗ NK và đặc điểm nhận dạng của từng loài. Danh sách này cũng cần được phổ cập trong hệ thống các nhà quản lý, làng nghề và những người NK. Đứng từ góc độ DN, các DN NK gỗ từ hâu Phi phải tăng cường trách nhiệm giải trình, nhằm giảm thiểu rủi ro trong gỗ NK”, ông Phúc nói.
     
    Nguồn Xaluan.com
    Ngày đăng: 11-04-2018 522 lượt xem