Nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm chính là mấu chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác tốt các tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18/5.
*Cơ hội và thách thức từ thị trường Hoa Kỳ
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, những năm qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao.
Kim ngạch thương mại hai nước đã tăng 47 lần, từ 220 triệu USD năm 1994 (là năm Hoa Kỳ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên gần 51 tỷ USD vào năm 2017. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ, ngược lại Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Theo ông Nguyễn Thắng Hải, đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ cho nhau của hai nền kinh tế.
Trong khi Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ làm đầu vào cho hoạt động sản xuất… thì Hoa Kỳ lại có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hoặc các sản phẩm dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử.
Đây đều là những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi và lợi thế về nhân công.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…
Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người còn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này.
Những thay đổi trong chính sách thương mại gần đây của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau.
Doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông – lâm – thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Chỉ trong thời gian ngắn số lượng vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của nhiều quốc gia khác nhau do Hoa Kỳ khởi xướng đã tăng lên gấp đôi (hơn 100 vụ).
Riêng với Việt Nam, Hoa Kỳ đã khởi kiện 25 vụ, liên quan đến nhiều ngành hàng khác nhau, từ các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu rất ít như túi dệt, đinh thép hay móc áo.
Theo ông Chu Thắng Trung, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, có ít kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Do đó, khi bị khởi kiện sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, tốn kém về thời gian, chi phí theo kiện, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.
*Nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu
Nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu được xem là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản để tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ.
Bà Đinh Thị Hương Nga, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ rất lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: TTXVN
Năm 2017, xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện nay mới chỉ mới tập trung vào phân khúc trung bình, đồ gỗ ngoại thất, có giá trị kinh tế chưa cao.
Theo bà Đinh Thị Hương Nga, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp tại Hoa Kỳ đang có xu hướng gia tăng. Nếu khai thác tốt phân khúc thị trường này, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng lên 3 – 4 lần so với hiện nay.
Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào thiết kế, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời có chiến lược sản xuất hợp lý để khai thác tốt thị trường đỗ gỗ nội thất.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xu hướng bảo hộ sản xuất không chỉ xuất hiện ở Hoa Kỳ mà có thể xảy ra ở rất nhiều thị trường khác nhau.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, hạn chế tự do thương mại thì ở một góc độ khác cũng tạo ra những tiêu chuẩn tốt hơn về chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với thực phẩm).
Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật.
Cùng quan điểm, ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NutiFood chia sẻ, doanh nghiệp muốn vào thị trường Hoa Kỳ cần làm tốt việc minh bạch thông tin. Đồng thời, phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường vì khó khăn lớn nhất chính là sự đón nhận của người tiêu dùng. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng nên đầu tư vào công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu lâu dài.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Chu Thắng Trung khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường, đối với Hoa Kỳ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận.
Doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác Hoa Kỳ để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.
Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một vài doanh nghiệp mà sẽ tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng, vì vậy các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy tốt thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại.
Về mặt chính sách, Chính phủ và các cơ quan đại diện thương mại cần có chiến lược cụ thể trong việc đàm phán, thương lượng các điều khoản liên quan tới trao đổi thương mại với chính quyền đối tác, đồng thời tăng cường việc cảnh báo và hướng dẫn kỹ năng xử lý cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp, kiện tụng, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt Nam./.
Xuân Anh/TTXVN